Ngành Đo đạc và Bản đồ: Tiếp nối truyền thống, đến 2045 làm chủ 80% các công nghệ tiên tiến, hiện đại

Tác giả

Chuyên mục:

spot_img

Ngày 27/03/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 40/NQ-CP phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Truyền thống lâu đời

Cùng với chiều dài phát triển của lịch sử đất nước, công tác đo đạc và bản đồ Việt Nam với truyền thống lâu đời đã để lại nhiều dấu ấn và thành quả quan trọng. Bản đồ Việt Nam đã được sử dụng như một công cụ để quản lý đất nước từ năm 1490 thời Hồng Đức nhà Lê. “Đại Nam Nhất thống Toàn đồ” do vua Minh Mạng nhà Nguyễn công bố năm 1834 là tấm bản đồ đầu tiên thể hiện tương đối chi tiết, đầy đủ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta tại thời điểm đó.

Qua các thời kỳ cách mạng và xây dựng đất nước, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong giai đoạn từ 1959 đến 1974, Ngành đã thực hiện được khối lượng công việc lớn và quan trọng góp phần không nhỏ vào sự nghiệp giải phóng đất nước ở miền Nam và xây dựng CNXH ở miền Bắc như xây dựng xong mạng lưới khống chế tọa độ, độ cao và hiện chỉnh hệ thống bản đồ địa hình tỷ lệ 1/100.000 ở miền Bắc, trong đó, nổi bật là hoàn thành và chính thức công bố đưa vào sử dụng Hệ quy chiếu và Hệ tọa độ HN-72.

Giai đoạn 1974-1994, thành quả chủ yếu của ngành Đo đạc và Bản đồ là hoàn chỉnh hệ thống toạ độ, độ cao, trọng lực quốc gia, hiện chỉnh và chuyển sang hệ tọa độ HN-72 cho hệ thống bản đồ địa hình UTM tỷ lệ 1/50.000, đo vẽ bản đồ địa hình tỷ lệ 1/25.000 và 1/10.000 phủ trùm một số khu vực kinh tế quan trọng, thành lập các loại bản đồ chuyên ngành phục vụ phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ đất nước.

Từ 1994 đến nay, ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đã phát triển toàn diện về xây dựng thể chế quản lý Nhà nước về đo đạc và bản đồ, xây dựng cơ sở dữ liệu hạ tầng thông tin địa lý quốc gia kịp thời cung cấp dữ liệu không gian địa lý phục vụ quy hoạch, phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, ứng phó với biến đổi khí hậu.

5 quan điểm phát triển

Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra các nhiệm vụ dựa trên 5 quan điểm thống nhất. Đó là: Phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phục vụ cộng đồng, nâng cao dân trí và hội nhập quốc tế.

Việc phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia làm nền tảng quan trọng và cơ bản, cung cấp dịch vụ dữ liệu không gian địa lý cho các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, phục vụ chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.

Chiến lược đặt ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ đo đạc và bản đồ phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội; phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; đảm bảo quốc phòng, an ninh; nghiên cứu, ứng dụng, phát triển công nghệ đo đạc và bản đồ theo hướng tiên tiến, hiện đại.

Việt Nam chủ trương tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo đạc và bản đồ; tiếp cận để khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ; cung cấp dữ liệu mở và xây dựng hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia.

Đồng thời Chính phủ khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ cao, tiên tiến; đẩy mạnh đào tạo, thu hút tài năng trẻ, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ; tăng cường hợp tác quốc tế về đo đạc và bản đồ…

Làm chủ 80% các công nghệ tiên tiến, hiện đại

Chiến lược đặt ra mục tiêu ở 2 giai đoạn: Từ nay đến 2030 và tầm nhìn đến 2045. Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 là: Hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đo đạc và bản đồ; Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia và hệ thống bản đồ địa hình quốc gia đồng bộ, thống nhất trong cả nước trên đất liền, vùng biển và hải đảo Việt Nam, đảm bảo được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Từ nay đến năm 2030, Việt Nam sẽ xây dựng, hoàn thiện hạ tầng đo đạc bao gồm: mạng lưới tọa độ quốc gia, mạng lưới trạm định vị vệ tinh quốc gia, mạng lưới độ cao quốc gia, mạng lưới trọng lực quốc gia, mô hình geoid để thiết lập hệ quy chiếu và hệ tọa độ không gian quốc gia thống nhất trên đất liền và trên biển.

Việc xây dựng và quản lý hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia cần đảm bảo mục tiêu tích hợp, chia sẻ dữ liệu không gian địa lý giữa các cơ quan, ban ngành, giữa trung ương với địa phương phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực. Đảm bảo 100% dữ liệu không gian địa lý kết nối, chia sẻ trên toàn quốc phục vụ cung cấp thông tin, dịch vụ công cho tổ chức, cá nhân.

Tầm nhìn đến năm 2045, Chiến lược đặt mục tiêu phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ trở thành ngành điều tra cơ bản hiện đại, ngang tầm với các nước phát triển, phấn đấu làm chủ 80% các công nghệ tiên tiến, hiện đại. Đồng thời phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đảm bảo tạo dựng, duy trì, nâng cao giá trị thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, đáp ứng yêu cầu về dữ liệu không gian địa lý của toàn xã hội, phục vụ các nhiệm vụ về quốc phòng, an ninh, Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý toàn cầu.

Đinh Quang Văn/ Bài đăng Tạp chí Truyền thống và Phát triển số 5 tháng 5/2023

Đọc thêm:

Bài viết liên quan:

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here